Doanh nghiệp vất vả tìm cách sống qua thời bão giá

SGTT.VN - Cách nào để doanh nghiệp sống sót qua thời bão giá? Nhiều kinh nghiệm đã được các doanh nhân, học giả chia sẻ tại buổi Càphê doanh nhân tổ chức hôm qua (29.5) tại Hà Nội.

Ưu tiên tái cấu trúc tài chính, nhân sự

Ông Lê Quân, chủ tịch hội đồng quản trị công ty EduViet, chuyên tư vấn về các giải pháp nhân sự, cho biết thời điểm này công ty EduViet nhận được nhiều yêu cầu tư vấn từ phía doanh nghiệp để cắt giảm nhân sự. “Nhiều giám đốc điều hành, tổng giám đốc đang phải chịu áp lực lớn từ hội đồng quản trị yêu cầu cắt giảm nhân sự”, ông Quân nói. Thông thường việc tái cơ cấu nhân sự của công ty được thực hiện theo hai cấp độ: sắp xếp, cơ cấu lại nhân lực và đổi mới cơ cấu tổ chức. Theo ông, những yêu cầu này dường như đang lặp lại giống như năm 2008 và 2009, khi doanh nghiệp trải qua thời kỳ khủng hoảng với lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn..

Với ông Lê Phùng Thắng, tổng giám đốc công ty Citicom (chuyên sản xuất thép) thì cùng với giải pháp tái cơ cấu nhân sự, việc tái cấu trúc lại các hoạt động liên quan tới tài chính của doanh nghiệp cần được ưu tiên số một. “Có thời điểm nhân viên trong công ty đã ôm nhau khóc vì ai cũng nhìn thấy nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt”, ông Thắng kể lại câu chuyện doanh nghiệp mình gặp phải vào năm 2009 với nhiều ngậm ngùi. Đó là thời điểm giá thép đang từ 17.000- 18.000 đồng/kg tụt xuống chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg. Riêng tiền lãi vay ngân hàng, công ty này đã phải trả khoảng 3 tỉ đồng mỗi tháng. “Nhiều người gom góp tài sản để đóng vào công ty nên nhìn thấy điều đó ai cũng bi quan”, ông Thắng kể. Nhưng công ty đã vượt qua năm khó khăn 2009 bằng việc dũng cảm thực hiện một cuộc “đại phẫu”.

Theo ông Thắng, cuộc “đại phẫu” mà Citicom đã trải qua là tái cấu trúc lại tài chính và nhân sự. Khi đó, công ty đã phải mời chuyên gia tài chính thực sự giỏi và “mở lòng” ra hết với họ. “Điều khó khăn nhất với chúng tôi thời điểm đó là quyết định tiết lộ hết bí mật của công ty với một người ngoài”, ông Thắng nhớ lại. Nhưng quyết định dũng cảm đó đã giúp công ty này nhìn ra điểm yếu và lỗ hổng thực sự của mình ở đâu, nhờ vậy mà có những giải pháp kịp thời để vượt qua.

Những câu hỏi khó trả lời

Chuyên gia Lê Đăng Doanh đã khuyên các doanh nghiệp cần điều chỉnh sản phẩm, thị trường để phù hợp với điều kiện mới, đề ra các thứ tự ưu tiên và tập trung hoàn thành từng bước chương trình hành động của mình, coi trọng nguồn nhân lực để đào tạo, bồi dưỡng… Tuy nhiên, ông Trần Anh Vương, tổng giám đốc công ty thép Bắc Việt chất vấn: “Ai cũng sẽ nghĩ là phải thực hiện những giải pháp đó cho doanh nghiệp mình, nhưng nếu ở thời điểm này muốn bán một dự án của công ty để tái cấu trúc lại hoạt động tài chính thì bán cho ai, khi lãi suất ngân hàng thực sự đã lên tới 27- 28%?”.

Câu hỏi của ông Vương không dễ được trả lời. Thậm chí phía dưới bàn chủ tọa có nhiều tiếng xì xào, lãi suất ngân hàng 27- 28%/năm như ông Vương nói là chưa kể chi phí “bôi trơn”. Để vay được khoản tiền, doanh nghiệp phải “bôi trơn” và nếu tính vào lãi suất thì thực sự lãi suất mà doanh nghiệp đang phải chịu lên tới hơn 30%/năm. “Vậy nên có cho kẹo, doanh nghiệp cũng không dám làm kiểu đầu cơ nữa”, ông Vương thừa nhận.

Bão giá đang để lại ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của doanh nghiệp. Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, không còn nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội của mình nữa. Có lẽ vì thế mà lần đầu tiên kể từ khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực tới nay, tốc độ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm sút chưa từng thấy. Bốn tháng đầu năm 2011, chỉ có khoảng 24.800 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập với số vốn đăng ký gần 142.900 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 90,4% số doanh nghiệp và 78,6% số vốn đăng ký so với cùng thời điểm năm 2010.


cập nhật 14.03.2012
©2009 American Home Inc. All rights Reserved.